Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Một số điều cần lưu ý khi trang trí bàn thờ





Vẻ đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt Nam đều được thể hiện qua bàn thờ tổ tiên. Tuy nhiên, một số điều cần lưu ý khi trang trí bàn thờ tổ tiên phải chú ý đến một số nguyên tắc bất thành văn sau đây:

1. Đèn thờ và bát hương

Làm sạch và bài trí lại bàn thờ tổ tiên là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gồm hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú, và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ), hai bát hương khác đặt ở bên trái và bên phải tạo nên tư thế tam tài.
Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Từ những đặc tính cơ bản này, người Việt đã hội dần vào bàn thờ nhiều hình tượng phụ mang tính thiêng liêng khác.
Nhiều gia đình còn đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ, phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Những nhà giàu có, đằng sau bát hương thường có đỉnh trầm bằng đồng trang trí nhiều hình được thiêng liêng hoá như lân ở đỉnh tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh, để kiểm soát tâm hồn người hành lễ, hổ phù mang tư cách cầu no đủ, cây trúc biểu hiện tính quân tử.

2. Lễ vật dâng cúng 

Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp) và một bình trà; đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh, ta có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.
Chú ý vào những ngày Tết trên ban thờ phải có hoa tươi, ngày thường hoa giả cắm xen hoa tươi. Người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay-ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết…
Với người Việt, trong thờ cúng tổ tiên, lễ chạp, các ngày sóc, vọng (ngày Rằm, mùng Một) và thờ phụng tâm linh… việc dâng hoa cúng thanh khiết, thể hiện tâm thành rất quan trọng (hương, hoa, trà, quả). Dâng hoa cúng có ý nghĩa dâng những điều thiện lành, tốt đẹp đã làm được trong cuộc sống, như là những đóa hoa tươi thắm, thơm tho dâng cúng chư Phật, thánh, gia tiên, là hành động thành kính, bày tỏ tâm biết ơn dù giá trị vật chất không nhiều.
Đối với các phật tử, hoa là nhân, sau đó là kết quả. Cúng hoa là thể hiện cho việc tu nhân. Nếu cúng hoa đẹp sẽ hái được quả ngon, mỗi khi thấy hoa là nhớ đến việc tu nhân thiện để tương lai mới nhận được quả báo thiện. 
Tuy nhiên, một số loài hoa không nên cúng trên bàn thờ : 
  • Với hoa ly rực rỡ, thơm ngát không nên dâng lễ Phật nhưng có thể dâng gia tiên và nơi thờ thánh (nhất là nơi thờ thánh Mẫu). Một số người kiêng dùng hoa ly (vì sợ ly tán, chia ly) ở ban thờ gia tiên.
  • Hoa phong lan đẹp, bền được nhiều người mua cắm ban thờ dịp Tết, nhưng dâng Phật không nên dùng phong lan, vì có nhiều màu rực rỡ, chữ “phong” gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng.
  • Hoa địa lan thơm, không rực rỡ (chỉ có màu xanh, vàng), lại trồng ở đất (khác phong lan) nên không có tính chất khác. Dâng Phật, thánh, gia tiên đều được.
  • Hoa lan móng rồng (phía Nam gọi là lan cua) tuy thơm nhưng không dùng để thờ cúng bởi cánh hoa giống móng rồng và tên gọi cũng không đẹp.
  • Hoa đại (sứ, chămpa) thơm, màu đẹp, nhưng không dùng cúng trên bàn thờ vì giống bộ phận sinh dục nữ, còn theo tích Lào thì là chuyện tình yêu trai gái nên cũng không dùng.
  • Ngoài ra, có những loại hoa không được đem vào cả lễ Phật, thánh và gia tiên, ví dụ, hoa nhài tuy là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh (hoa nhài cắm bãi cứt trâu).
  • Hoa cúc áo (hoa cứt lợn), tuy bông hoa xinh xắn, màu đẹp, chữa bệnh rất tốt, nhưng chỉ cắm chơi được chứ không thể đặt lên ban thờ nơi có thần linh và gia tiên bởi cái tên của nó không đẹp.
  • Cúc vạn thọ là loại hoa tên hay, màu vàng, ở miền Trung hay dùng vì dễ trồng dễ sống, có màu vàng tươi tắn, sự may mắn và thịnh vượng. Nhưng ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương lại không đưa lên ban thờ vì có mùi hôi.
  • Hoa râm bụt có màu đỏ, bông cũng đẹp nhưng không dùng thờ cúng vì có chữ “râm” đằng trước. Hoa phù dung tuy tên đẹp nhưng mau tàn, có tích không hay nên cũng không được dùng.

3. Thắp sáng bàn thờ gia tiên ngày tết

Việc thắp sáng cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày 30. Có nhà sử dụng loại hương vòng, hay hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu…
Trước bàn thờ, người ta thường thắp 2 ngọn nến tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt, tiếp đó là một nén tâm hương để hướng tới mọi điều tốt lành vì tâm hương có nghĩa là ngũ hương.

4. Hương khói gian thờ

Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. 
Nhiều người thắp 3 nén hương nhằm cầu cho một sự việc nào đó được tiến triển vì số 3 lẻ dẫn tới chuyển động, biến đổi, phát triển. Hướng bàn thờ cũng được người Việt rất quan tâm. Thông thường hướng nhà theo đạo Phật thì hướng nam là nơi của bát nhã, tức trí tuệ, hướng của sự sáng tạo, của sinh lực tràn trề, đầy dương khí.

5. Mâm ngũ quả

Mỗi một miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Trang trí bàn thờ của Người Nam Bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) – sung (Sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) – vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) – đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài (là cách đọc chệch của âm xoài).
Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.
Trên đây là những chia sẻ nho nhỏ trong việc trang trí cho bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài đón năm mới đến một cách an lành và ấm cúng của mỗi gia đình.

0 nhận xét:

Hỗ trợ trực tuyến

Copyright © 2012 Bàn thờ thần tài, Bàn thờ gia tiên, Bàn thờ tại Hà Nội| Design by Blogspot Templates.